Cách làm sủi cảo nhân thịt heo chuẩn vị Trung Hoa, siêu đơn giản tại nhà bạn đã biết chưa? Không cần tốn quá nhiều thời gian bạn và gia đình vẫn có thể thưởng thức món sủi cảo hay còn gọi là bánh chẻo thơm ngon, bổ dưỡng. Cùng Tasteofaustralia.com.vn tìm hiểu ngay cách chế biến món ăn hấp dẫn này nhé!

Nguyên liệu làm sủi cảo nhân thịt

Món sủi cảo nhân thịt được chế biến khá công phu, từ khâu nhào bột làm vỏ bánh, cách gói bánh cho đến phần chuẩn bị nhân bánh. Tuy nhiên bạn đừng quá lo lắng vì Tasteofaustralia.com.vn sẽ hướng dẫn bạn cách làm món này siêu đơn giản, dù không giỏi chuyện bếp núc vẫn có thể làm được. Cùng theo dõi cách chuẩn bị nguyên liệu:

Phần vỏ bánh

  • 250g bột mì đa dụng
  • 150ml nước đun sôi
  • 2g muối
  • 30g bột năng/ bột bắp làm phần bột áo
  • Khuôn tròn làm bánh hình tròn

Phần nhân bánh

  • 300g thịt nạc vai băm nhuyễn
  • 1 củ gừng nhỏ
  • Vài bẹ cải thảo non
  • Hành lá, rau mùi
  • 2 quả trứng gà
  • 3 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh muỗi
  • 2 muỗng canh dầu mè

Cách làm sủi cảo truyền thống chuẩn vị Trung Hoa

Để làm thành công món sủi cảo, tiến hành theo các bước sau:

Cách làm vỏ sủi cảo

Rây bột mì cho mịn vào một cái tô lớn. Tiếp đến hòa tan 2g muối vào phần nước sôi để trộn bột. Cho từ từ nước vào bột, dùng phới lồng khuấy đều.

Lưu ý đổ nước từ từ để điều chỉnh độ ẩm của bột. Nếu bột hơi khô, cho thêm nước để bột có kết cấu ổn định hơn. Đổ bột ra mặt phẳng hay tấm thớt lớn vào tiến hành nhào bột khoảng 10 – 15 phút.

Sau khi nhào xong ta thu được một khối bột dẻo, mịn. Chia bột ra làm đôi, se bột thành những thanh dài có đường kính khoảng 4 – 5cm. Dùng màng bọc thực phẩm bọc lại, để bột nghỉ khoảng 30 phút.

Tiếp đến rắc một ít bột năng/ bột bắp lên mặt phẳng, chia nhỏ bột thành 12 miếng đều nhau. Lấy một chiếc khăn sạch, ẩm phủ lên phần bột chưa dùng tới để tránh bột bị khô.

Vo tròn miếng bột và ấn dẹt, dùng cây cán bột cán mỏng sao cho tròn có độ dày đều nhau. Sử dụng khuôn tròn đường kính 8cm tạo hình cho miếng bột, bỏ phần rìa bột thừa xung quanh.

Cứ thao tác tương tự cho đến khi hết bột. Phần bột thừa có thể tái sử dụng bằng cách nhào thêm với nước để tăng độ ẩm và làm vỏ sủi cảo như bình thường. Rắc thêm một ít bột bắp và cho tất cả phần vỏ vào túi kín.

Nếu không sử dụng hết một lần, có thể bảo quản vỏ sủi cảo trong ngăn đá tủ lạnh. Áp dụng công thức, vỏ bánh làm ra có thể sử dụng được trong 3 – 4 ngày nếu cất trong ngăn mát.

Làm nhân bánh sủi cảo

Cắt hạt lựu hoặc thái chỉ bẹ cải thảo, ngâm muối trong thời gian từ 5 – 10 phút. Tiếp đó rửa sạch và vắt cho thật ráo nước.

Thịt nạc vai có thể thể mua loại xay sẵn, nhưng tốt nhất là băm thịt sẽ ngon hơn. Vì bạn có thể điều chỉnh độ nhuyễn theo ý muốn, thịt cũng sẽ ngọt hơn.

Băm nhỏ hành lá, rau mùi. Gừng gọt vỏ, đập dập và băm nhỏ.

Cho tất cả các nguyên liệu vừa chuẩn bị vào cái tô lớn, thêm dầu mè, 2 quả trứng gà, nước tương vào và trộn đều hỗn hợp. Vậy là bạn đã hoàn tất phần nhân bánh sủi cảo.

Cách gói sủi cảo

Cho nhân vào vỏ bánh và nhẹ nhàng gấp lại. Tạo hình bánh sủi cảo cũng là một nghệ thuật độc đáo của người Trung Quốc. Mỗi tạo hình sẽ mang những ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên phần lớn đều được nặn theo hình bán nguyệt.

Với cách gói bánh này, bạn thực hiện như sau: gấp đôi vỏ bánh dính vào nhau, dùng ngón cái và ngón trỏ của tay phải viền theo diềm bán nguyệt, nên viền cho đều được gọi là viền phúc.

Có người sẽ kéo 2 đỉnh đầu của bánh nối liền nhau như hình nén bạc. Hoặc tạo hình bông lúa ý chỉ mùa màng bội thu như một số vùng nông thôn ở Trung Quốc.

Hấp sủi cảo

Sau khi đã tạo hình đẹp mắt cho sủi cảo thì tiếp theo sẽ là hấp bánh. Đây là cách chế biến truyền thống, với cách này sẽ làm cho vỏ bánh dẻo và mềm, giúp giữ được vị ngọt tự nhiên của nhân thịt và rau bên trong.

Thưởng thức món sủi cảo trứ danh Trung Quốc

Món bánh sủi cảo thành phẩm với lớp vỏ ngoài mỏng, dẻo thơm ăn không hề ngán. Thêm phần nhân bên trong ngon ngọt từ thịt heo và rau củ. Tất cả hòa quyện với nhau đem đến món ăn cực thơm ngon, hấp dẫn và bổ dưỡng.

Bên cạnh cách hấp bánh , các bạn cũng có thể chiên sủi cảo hay nấu cùng nước dùng cũng rất ngon. Ăn kèm món bánh này là loại nước chấm đặc biệt được pha từ nước tương cùng một xíu dầu ớt cay Trung Hoa. Hoặc ăn bánh cùng tương ớt cũng khá bắt vị.

Như vậy chỉ mất khoảng 2 tiếng đồng hồ bạn đã có thể làm được món bánh sủi cảo siêu ngon cho cả gia đình cùng thưởng thức. Ngoài ra nếu không ăn hết, bạn có thể bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Khi nào cần ăn lấy ra rã đông, chiên hoặc hấp lại là xong, vẫn giữ nguyên độ ngon của món bánh truyền thống.

Ý nghĩa của chiếc bánh sủi cảo

Trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa, sủi cảo hay bánh chẻo ẩn chứa những ý nghĩa sâu sắc. Chiếc bánh mềm, thơm ngon từ lúa mì – tinh hoa của đất trời. Với tạo hình trông giống đồng tiền xưa của người Trung Quốc, tượng trưng cho sự đoàn viên, sung túc, hạnh phúc, may mắn và tiền tài.

Bánh chẻo là một món ăn không thể thiếu vào mỗi dịp tết, đặc biệt là vào đêm giao thừa. Trước thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, cả gia đình quay quần bên bữa cơm cuối năm cùng món sủi cảo nóng hổi. Chúc tụng nhau nhiều điều may mắn và tốt lành sẽ đến.

Đây không chỉ là một món ăn truyền thống vào dịp tết mà còn là món ăn quen thuộc trong đời sống hiện đại của người dân Trung Hoa. Nhằm đáp ứng sở thích ăn uống của mọi người, ngày càng có nhiều cách làm món sủi cảo khác nhau.

Không chỉ dừng lại ở bánh chẻo nhân thịt hấp, thay vào đó là bánh nhân tôm thịt, nhân rau củ, sủi cảo chiên, mì sủi cảo….Sự biến tấu đa dạng mang đến sự phong phú trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa.

 

Như vậy bạn vừa cùng Tasteofaustralia.com.vn khám phá công thức cách làm sủi cảo truyền thống chuẩn vị Trung Hoa. Hãy thử làm ngay món này cho cho cả nhà, nấu những món ngon cũng là cách để vun đắp tình cảm gia đình. Đừng quên theo dõi trang chủ của chúng tôi để tìm đọc thêm nhiều bài viết thú vị khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *